5 cách khiến nhà tuyển dụng ngao ngán bạn

Trong tất cả cuộc trò chuyện với nhà tuyển dụng, hãy nói thật dông dài về bản thân bạn và cảm nghĩ của bạn.


Trong buổi phỏng vấn, bạn có thể áp dụng những ý tưởng sau, để khiến nhà tuyển dụng phải ngao ngán, đồng thời kết thúc nhanh buổi hỏi đáp nhạt nhẽo.

“Ăn mày” thông tin trước khi xin việc
Khi đọc được thông tin tuyển việc có vẻ thú vị, bạn gọi điện ngay cho nhà tuyển dụng và yêu cầu được nói chuyện với người chịu trách nhiệm về nhân sự. Khi đã gặp đúng người qua điện thoại (nếu cần, gọi điện liên tục cho tới khi họ đồng ý nhận cuộc gọi), hãy “quay” họ xung quanh nội dung công việc.
Hãy đặt những câu hỏi như: “Mức lương là bao nhiêu? Tôi được nghỉ bao nhiêu ngày? Văn phòng của tôi sẽ rộng ra sao?” và bất kì thứ gì khác mà bạn thấy quan trọng.

Kết thúc cuộc nói chuyện với việc nài nỉ họ fax hoặc gửi e-mail cho bạn bản mô tả nội dung công việc.

Viết một lá thư xin việc đầy ắp chữ “Tôi”
Mở đầu lá thư xin việc với một câu thật ấn tượng như “Đây chính là vị trí mà tôi đã tìm kiếm bấy lâu”. Sau đó tiếp tục giải thích những gì bạn muốn ở công việc này. Ví dụ như: “Tôi đang tìm kiếm một vị trí có thưởng hậu hĩnh. Làm ở đó, tôi có thể có thêm kinh nghiệm và có cơ hội theo đuổi các mối quan tâm của tôi”. Nói thêm rằng bạn coi công việc này như bàn đạp tới những mục tiêu lớn hơn.

Thậm chí nếu nhà tuyển dụng không hỏi bạn về mức lương mong muốn, hãy cho họ biết mức lương tối thiểu họ cần phải trả cho bạn “cùng với tiền trợ cấp”, nếu như bạn được nhận vào làm.

Cho họ biết ai là chủ của cuộc phỏng vấn
Đến muộn để bạn không phải ngồi đợi nhà tuyển dụng. Trong cuộc phỏng vấn, hãy đặt những câu hỏi “thông minh” như “Công ty này làm gì?”. Khi nhà tuyển dụng mô tả công việc, hãy trả lời: “Nhận tôi vào làm, ông/bà sẽ có thể đạt được một số thành công thực sự”.

Giải thích cho họ biết tất cả những gì họ đã làm từ trước đến thời điểm này thực sự kém hiệu quả như thế nào. Đó là lý do tại sao bạn chẳng bao giờ nghe đến tên công ty này trước khi tình cờ đọc được mẩu tuyển dụng nhỏ trên báo.

Nếu được hỏi rằng bạn có thể làm gì cho công ty, hãy trả lời một cách chung chung mập mờ.

Liên tục cắt ngang nhà tuyển dụng. Nếu họ cố nói điều gì đó trong khi bạn đang đưa ra quan điểm, hãy lờ họ đi và tiếp tục nói to bởi những gì họ nói chẳng phải là vấn đề quan trọng gì, cái quan trọng là bạn được bày tỏ tiếp ý kiến riêng của bạn.

Bật điện thoại di động của bạn phòng khi trong quá trình phỏng vấn có ai đó gọi bạn với những lời đề nghị “béo bở” hơn.

Bám đuôi liên tục sau khi phỏng vấn
Sau khi phỏng vấn, hãy liên lạc với nhà tuyển dụng và nói rằng bạn muốn có nhận xét về buổi trò chuyện để họ có thể tái khẳng định với bạn rằng bạn đã thể hiện rất tốt.

Nếu nhà tuyển dụng tỏ ra miễn cưỡng khi trò chuyện, hãy gây sức ép buộc họ phải “nhả” thông tin. Liên tục gặp gỡ họ nếu cần. Thông tin đó có thể rất hữu ích cho bạn trong những cuộc săn tìm việc về sau.

Thêm nữa, nếu bạn không thích những gì nhà tuyển dụng nói, bạn có thể biện hộ rằng đánh giá của họ về bạn là sai. Nếu bạn đủ “mạnh miệng”, có lẽ bạn sẽ thuyết phục được họ nhận bạn.

Nếu nhà tuyển dụng nói rằng họ đã nhận một người khác, hãy nài nỉ họ nói cho bạn biết lý do tại sao. Sau đó yêu cầu được nói chuyện với người đứng đầu công ty để cố gắng thuyết phục ông ấy/bà ấy thay đổi quyết định của nhà tuyển dụng và trao công việc vào tay bạn.

“Phát” liên tục cho đến khi họ gay gắt yêu cầu ngừng
Gọi điện và gửi e-mail không ngừng vì bất kỳ lý do gì như:
– Để biết thêm về công việc
– Để nhờ giúp đỡ hoàn thành bản đăng ký trực tuyến của công ty
– Hỏi xem liệu họ đã nhận được thư xin việc của bạn chưa
– Hỏi xem bạn nên mặc gì khi đi phỏng vấn
– Hỏi về nhận xét của họ sau cuộc phỏng vấn
– Tìm hiểu xem họ đã nhận được thư cảm ơn của bạn chưa.
– Tìm hiểu xem khi nào họ sẽ đưa ra quyết định
– Yêu cầu giải thích vì sao không chọn bạn

Nếu bạn không nhận được công việc đầu tiên mà bạn xin, hãy xin việc ở tất cả các công việc khác mà công ty đang tuyển có liên quan chút đỉnh tới bất kỳ điều gì mà bạn đã từng quan tâm.

Trong tất cả cuộc trò chuyện với nhà tuyển dụng, hãy nói thật dông dài về bản thân bạn và cảm nghĩ của bạn.

Nếu bạn muốn kéo dài công cuộc tìm việc làm dai dẳng và vất vả, hãy cứ làm theo 5 cách trên.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *