Mẹo trả lời với câu hỏi: trước đây bạn làm những gì?
Situation – Tình huống (chiếm 25% hiệu quả): Bạn phải đối mặt với vấn đề gì? Tình huống lúc đó thế nào?
Có thể bạn mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn, nhưng nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên chỉ trong vòng 10 phút đầu tiên. Vì thế, bạn cần tạo ấn tượng thật tốt với nhà tuyển dụng trong 10 phút quý báu này bằng những câu trả lời sắc sảo đã được chuẩn bị kỹ từ trước.
Câu hỏi tìm hiểu hành vi trong quá khứ của ứng viên là một trong ba dạng câu hỏi thường được sử dụng trong các buổi phỏng vấn. Nếu bạn có thể trả lời tốt các câu hỏi này, bạn gần như đã nắm được hơn 50% cơ hội thành công rồi đó.
Nhiều nhà tuyển dụng tin rằng hành vi trong quá khứ là cơ sở đáng tin cậy nhất để dự đoán cách ứng viên xử lý công việc trong tương lai. Vì vậy họ thường hỏi các câu hỏi về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, và khả năng làm việc trước đây của ứng viên.
Thật ra, câu trả lời cho câu hỏi dạng này không khó khăn lắm. Câu hỏi hành vi được xây dựng dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ của bạn, vì thế bạn có thể đoán trước được câu hỏi của người phỏng vấn.
Ví dụ, nếu bạn đề cập trong hồ sơ là bạn có “khả năng lãnh đạo tốt”, bạn có thể đoán được nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi sau “Hãy cho tôi một ví dụ về việc bạn dùng khả năng lãnh đạo của mình để đạt được kết quả thật xuất sắc trong công việc”. Còn nếu hồ sơ của bạn cho thấy bạn có “khả năng giải quyết vấn đề”, bạn có thể đoán câu hỏi sẽ là “Hãy cho tôi một ví dụ cụ thể về việc bạn sử dụng khả năng nhận định và đánh giá nhạy bén của mình để giải quyết vấn đề trong công việc trước đây”.
Đối với dạng câu hỏi này, câu trả lời của bạn cần thật cụ thể. Vì vậy, bạn phải mô tả thật chi tiết những hành động đã làm để giải quyết vấn đề. Phương pháp SAR sau đây sẽ rất có ích cho bạn:
Situation – Tình huống (chiếm 25% hiệu quả): Bạn phải đối mặt với vấn đề gì? Tình huống lúc đó thế nào?
Action – Hành động (chiếm 50% hiệu quả): Cụ thể bạn đã làm gì? Bạn đóng vai trò nào trong việc giải quyết vấn đề?
Result – Kết quả (chiếm 25% hiệu quả): Kết quả ra sao? Bạn rút ra được kinh nghiệm gì?
Trường hợp xấu nhất (hi vọng sẽ không xảy ra với bạn!) là bạn chưa từng đối mặt với những tình huống mà người phỏng vấn đặt ra. Khi đó bạn cần hình dung cách thức bạn làm gì để giải quyết vấn đề. Nhà tuyển dụng có thể sẽ quan tâm đánh giá cách bạn suy luận để giải quyết tình huống hơn là thực tế bạn đã giải quyết tình huống đó ra sao?
Câu trả lời của bạn cần thú vị và mô tả đầy đủ những hành động bạn đã làm. Điều này không khó đối với bạn đâu. Hãy làm nổi bật khả năng của bạn. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người nổi trội hơn hẳn so với các ứng viên “thường thường bậc trung” khác.
Leave a Reply